Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 với 5 chương và 91 điều. Đây là lần đầu tiên luật Luật giám sát quy định rất nhiều chủ thể tham gia giám sát thi hành Hiến pháp và pháp luật. Luật quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát. Các chủ thể này tiến hành giám sát rất nhiều vấn đề liên quan đến ban hành, thi hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tuy nhiên về nguyên tắc hoạt động giám sát phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm khách quan, công khai minh bạch, hiệu quả; Không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
Sau đây là một số điểm mới của luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 và chủ yếu nêu một số điểm mới trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.
Thứ nhất là các hoạt động giám sát của HĐND tại điều 57 của luật về cơ bản vẫn khẳng định các hoạt động giám sát như trước cùng với đó là bổ sung thêm đối tượng giám sát và nâng cao hơn nữa tính chất của hoạt động giám sát cụ thể như: Xem xét quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp; bổ sung thêm việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu; Xem xét báo cáo công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và các báo cáo khác theo quy định tại Điều 59 của Luật.
Thứ hai về thời gian để xem xét quyết định chương trình giám sát hàng năm của HĐND, TT.HĐND và các Ban của HĐND tỉnh có sự khác nhau như sau: Về giám sát năm của TT.HĐND thời điểm xem xét và đưa ra dự kiến kế hoạch giám sát được HĐND xem xét và quyết định tại kỳ họp giữa năm của năm trước. Chậm nhất là ngày 01 tháng 3 của năm trước, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cử tri ở địa phương gửi đề nghị, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân đến Thường trực Hội đồng nhân dân. Đề nghị, kiến nghị giám sát phải nêu rõ sự cần thiết, nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát tại Điều 58 của luật.
Thứ ba là chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tại Điều 60 của luật. Luật đã quy định rõ và chi tiết về cách thức tiến hành chất vấn theo trình tự cùng với đó là trách nhiệm của HĐND, TT.HĐND, đại biểu HĐND, người chất vấn và người trả lời chất vấn. Hội đồng nhân dân có thể ra nghị quyết về chất vấn. Nội dung nghị quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 15 của Luật. Tuy nhiên bên cạnh đó Phiên họp chất vấn tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được phát thanh, truyền hình trực tiếp, trừ trường hợp do Hội đồng nhân dân quyết định. Cùng với đó là chất vấn và xem xét trả lời chất vấn trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND được tiến hành tại phiên họp TT.HĐND theo điều 69 của luật. Tuy nhiên trong thời điểm giưa hai kỳ họp HĐND mà sau khi nhậ được văn bản trả lời chất vấn, mà đại biểu không nhất trí với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị TT.HĐND đưa ra thảo luận tại phiên họp thường trực HĐND và đề nghị HĐND xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn.
Thứ tư là giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND được quy định tại Điều 72 của luật.
1. Căn cứ vào chương trình giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân yêu cầu thành viên của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp giải trình và cá nhân có liên quan tham gia giải trình vấn đề mà Thường trực Hội đồng nhân dân quan tâm.
Việc tổ chức giải trình, nội dung, kế hoạch tổ chức giải trình và người được yêu cầu giải trình do Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định.Người được yêu cầu có trách nhiệm báo cáo, giải trình theo yêu cầu của Thường trực Hội đồng nhân dân.
2. Nội dung, kế hoạch tổ chức giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân được thông báo cho cá nhân được yêu cầu giải trình chậm nhất là 10 ngày trước ngày tiến hành phiên giải trình.
3. Phiên giải trình được tổ chức công khai, tiến hành theo trình tự, trừ trường hợp do Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định. Người giải trình có trách nhiệm giải trình vấn đề được yêu cầu.Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua kết luận vấn đề được giải trình; kết luận được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân biểu quyết tán thành. Kết luận của Thường trực Hội đồng nhân dân được gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân, người được yêu cầu giải trình và cơ quan, tổ chức có liên quan.
4. Cơ quan, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện kết luận của Thường trực Hội đồng nhân dân; trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.
Thứ năm là trách nhiệm của TT.HĐND trong việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát được cụ thể hóa tại Điều 75 của luật. Thường trực xem xét, cho ý kiến về chương trình, nội dung giám sát của các Ban của Hội đồng nhân dân; Yêu cầu Ban của Hội đồng nhân dân điều chỉnh kế hoạch giám sát của mình, bảo đảm hoạt động giám sát không bị trùng lặp; Phân công Ban của Hội đồng nhân dân thực hiện một số nội dung thuộc chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân; Hàng quý, tổ chức họp với Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân để phối hợp hoạt động giám sát, đánh giá về tình hình và kết quả hoạt động giám sát; Tổng hợp kết quả giám sát trình Hội đồng nhân dân.
Thứ sáu là Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân. Về chủ thể giám sát của HĐND tại khoản 2, Điều 83 của luật. Luật quy định đại biểu HĐND cũng là một chủ thể trong trong hoạt động giám sát của HĐND. Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp tại địa phương hoặc về các vấn đề do Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân phân công; tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện hoạt động giám sát.
Thứ bảy là bảo đảm việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát được cụ thể hóa tại Điều 89 của luật.
Giám sát là một trong những chức năng chủ yếu của HĐND để hoạt động giám sát của HĐND có chất lượng và hiệu quả thiết thực cần chủ động thực hiện tốt những quy định của luật qua đó đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng của cử tri đồng thời xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.