Sign In

Giới Thiệu

Tài nguyên khoáng sản

Xem cỡ chữ Google
Theo báo cáo quy hoạch phân vùng hoạt động khoáng sản tỉnh Yên Bái đến năm 2010, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 257 mỏ và điểm quặng, với các loại khoáng sản nhiên liệu, khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại và khoáng chất công nghiệp, khoáng sản quý hiếm đến nước khoáng, nước nóng.
 
 
  
1. Tiềm năng khoáng sản tỉnh Yên Bái
Theo báo cáo quy hoạch phân vùng hoạt động khoáng sản tỉnh Yên Bái đến năm 2010, và đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 257 mỏ và điểm quặng, với các loại khoáng sản nhiên liệu, khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại và khoáng chất công nghiệp, khoáng sản quý hiếm đến nước khoáng, nước nóng, cụ thể như sau:
- Khoáng sản nhiên liệu: Tập trung chủ yếu là than bán antranxit, than nâu và than bùn. Nhưng nhìn chung các điểm than đều có trữ lượng ít, quy mô nhỏ. Được phát hiện ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên và Trấn Yên, tài nguyên dự báo khoảng 779.000 tấn.
- Khoáng sản kim loại và kim loại quý, các khoáng sản chủ yếu gồm: sắt, đồng và chì - kẽm, phân bố không tập trung, theo công tác địa chất đã điều tra trữ lượng chỉ ở mức vừa và nhỏ. Vàng cũng đã được phát hiện ở Yên Bái, vàng gốc được phát hiện chủ yếu ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải, vàng sa khoáng phát hiện ở nhiều nơi gần các sông suối.
Khoáng sản đồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái được phát hiện ở xã Phong Dụ Thượng và xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên (là các điểm mỏ Làng Phát, Làng Nhón, Làng Lòm…); ở huyện Văn Chấn (là các điểm An Lương, Đông An thuộc xã An Lương; điểm Bản Bam thuộc xã Nậm Lành) …
- Khoáng sản không kim loại: chủ yếu gồm pyrit, barit, phosphorit, kaolin, felspat, thạch anh, grafit. Trong đó đáng chú ý là khoáng sản kaolin và felspat, hai khoáng sản này có chất lượng tương đối tốt đáp ứng được các tiêu chuẩn cho sản xuất gốm sứ, sản xuất giấy. Diện phân bố của chúng rộng tuy nhiên trữ lượng không lớn và không đồng đều. Các khoáng sản còn lại phân bố ở một vài nơi trong tỉnh nhưng chỉ tồn tại với trữ lượng nhỏ hoặc chất lượng thấp.
- Đá quý: tập trung ở khu vực Lục Yên, Tân Hương - Yên Bình với khoáng vật rubi, saphia, coridon ...
- Nguyên liệu mài: phân bố ở phần Đông Bắc hai bên bờ sông Chảy thuộc vùng đá biến chất cổ gồm: silimanit - granat. tập trung tại An Phú - Lục Yên, Báo Đáp, Đại Đồng - Yên Bình, Làn Nhơn - Phong Dụ Hạ. Các điểm quặng được đánh giá có triển vọng.
- Vật liệu xây dựng: gồm có đá vôi, đá hoa calcit, sét các loại, cát - sỏi lòng sông. Đặc biệt là nguồn cát sỏi lòng sông Hồng, sông Chảy...
+ Đá vôi và đá hoa calcit phân bố rộng khắp ở các huyện Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Trạm Tấu có trữ lượng lớn. Hiện nay đã có một số mỏ khai thác ở quy mô công nghiệp. Đá vôi của Yên Bái có chất lượng tốt, khả năng khai thác làm đá mỹ nghệ, đá ốp lát, vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng và đá vôi làm khoáng chất công nghiệp phục vụ xuất khẩu.
+ Các mỏ sét, puzlan của tỉnh ngoài việc dùng sản xuất đồ gốm và gạch ngói, chất lượng mỏ sét còn đáp ứng được cho sản xuất xi măng.
- Nguyên liệu kỹ thuật: gồm các loại khoáng sản như granat, quarzit, dolomit ... hầu hết các loại khoáng sản này chưa được đánh giá trữ lượng.
- Khoáng sản talc - được phát hiện ở bản hát lìu, huyện Trạm Tấu - điểm mỏ chưa được điều tra đánh giá trữ lượng.
- Nước nóng và nước khoáng: Trong toàn tỉnh phát hiện có 16 điểm nước khoáng, nước nóng. Tập trung chủ yếu ở đá phun trào. Nước nóng có nhiệt độ 30 - 50oC. Tổng độ khoáng hoá 1 - 3,3g/l, nước thuộc nhóm sulfat canxi - magnhe có hàm lượng silic và lưu huỳnh cao, có thể sử dụng cho điều dưỡng, chữa bệnh.
* Trong các loại khoáng sản trên, có một số loại khoáng sản có trữ lượng tài nguyên dự báo tương đối lớn như:
- Quặng sắt gần 200 Triệu tấn, nhưng chất lượng quặng không cao (hàm lượng trung bình từ 20 – 40%) và phân bố rải rác tập trung chủ yếu tại các huyện Văn Chấn (khu vực làng Mỵ), huyện Trấn Yên (khu vực Làng Thảo, Núi Vi, núi 300), huyện Văn Yên.
Ngoài ra còn có vùng quặng sắt mới được phát hiện thuộc các xã Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La của huyện Văn Chấn.
- Đá ốp lát, mỹ nghệ: khoảng 1.300 triệu m3. Ngoài ra khu vực đá ốp lát, đá mỹ nghệ Suối Giàng - Văn Chấn, khu vực xã Làng Nhì và Tà Si Láng - Trạm Tấu, khu vực đá khối granit Ca Vịnh thuộc huyện Văn Chấn và huyện Trấn Yên được đánh giá là có triển vọng.
- Đá vôi xi măng và khoáng chất công nghiệp: khoảng 600 triệu m3.
- Đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường: khoảng 167 triệu m3.
- Kaolin, felspat: trên 15 triệu tấn, tập trung ở huyện Văn Yên và huyện Trấn Yên.
- Đất hiếm theo kết quả thăm dò của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương trữ lượng đất hiếm ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên cấp 121 + 121 là 27.681 tấn (TR2O3).
Một số khoáng sản khác được đánh giá có chất lượng khá tốt như chì - kẽm nhưng phân bố rải rác trữ lượng ít và điều kiện khai thác khó khăn. Mới đây khu vực chì - kẽm Cẩm Nhân, Xuân Lai - Yên Bình đã được điều tra, đánh giá về địa chất và khoáng sản, các khu vực có triển vọng đã được bổ sung vào quy hoạch của cả nước.
2. Quy hoạch khoáng sản tỉnh Yên Bái
Để có cơ sở quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành và phê duyệt các quy hoạch sau:
- Quy hoạch phân vùng hoạt động khoáng sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2010, đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khoá XVI, kỳ họp thứ 5 thông qua và được Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 82/QĐ-UBND ngày 02/3/2006;
- Quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến đá vôi trắng giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2015 huyện Lục Yên, đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khoá XVI, kỳ họp thứ 7 thông qua và Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 325/QĐ-UBND ngày 12/9/2006;
- Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2007-2015, đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái thông qua và Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 532/QĐ-UBND ngày 07/4/2008;
- Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản sắt, đồng, vàng, chì - kẽm và các khoáng sản khác (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn), đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái thông qua và được Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 1459/QĐ-UBND ngày 30/9/2011.
3. Hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái
* Hoạt động thăm dò khoáng sản
Tính đến tháng 3 năm 2015, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 10 Giấy phép thăm dò khoáng sản còn hiệu lực (của 9 doanh nghiệp). Có 03 giấy phép do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, 07 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Ngoài ra, còn 42 Giấy phép thăm dò đã hết hiệu lực (của 38 doanh nghiệp), các đơn vị được cấp Giấy phép đang lập Báo cáo kết quả thăm dò và hoàn thiện các thủ tục để xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 21 Giấy phép, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp 21 Giấy phép.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay có 16 Giấy phép thăm dò đá vôi trắng đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, đến nay chưa được tiếp tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản do chỉ đạo tạm dừng cấp phép khai thác đá vôi trắng của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012. Trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Chỉ thị mới. Tuy nhiên, đến nay Chỉ thị mới chưa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
* Hoạt động khai thác khoáng sản
Tính đến tháng 3 năm 2015, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 121 Giấy phép khai thác còn hiệu lực (của 90 doanh nghiệp), trong đó: Vật liệu xây dựng thông thường 34 Giấy phép, kaolin 01 Giấy phép, felspat 02 Giấy phép, granit bán phong hóa 02 Giấy phép, thạch anh 03 giấy phép, đá vôi trắng 28 Giấy phép, sét làm xi măng 01 Giấy phép, than 02 Giấy phép, grafit 02 Giấy phép, quặng sắt 32 Giấy phép, quặng chì-kẽm 08 Giấy phép, quặng vàng 04 Giấy phép, quặng đồng 01 Giấy phép; quặng đất hiếm 01 Giấy phép. Trong 121 Giấy phép khai thác khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 34 Giấy phép, UBND tỉnh cấp 87 Giấy phép.
Nhìn chung, các tổ chức hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có ý thức trong chấp hành các quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật khác có liên quan; các đơn vị đã quan tâm đến quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn, quy định về bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2014; các quy định về quản lý, sử dụng và vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; chế độ bảo hộ lao động và bảo hiểm cho người lao động.
Hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo được nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (theo số liệu báo cáo định kỳ của các doanh nghiệp, năm 2014 đóng góp  vào ngân sách nhà nước trên 180 tỷ đồng bao gồm các khoản thuế, phí các loại). Ngoài nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã đóng góp, ủng hộ cho địa phương như: Đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, ủng hộ các hoạt động xã hội tại địa phương... Tạo công ăn việc làm cho trên 2.500 lao động.
Nhìn chung, hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tạo được nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ngoài nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã đóng góp, ủng hộ địa phương như: đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng (như đường giao thông, trạm điện, cầu cống…), ủng hộ các hoạt động xã hội tại địa phương, các công trình công cộng (như trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa…), xây dựng các công trình bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h